Không chỉ mang vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, hình ảnh những con đom đóm vàng rực đã trở thành một phần tuổi thơ của rất nhiều thế hệ ở Việt Nam. Trong bài viết này, hãy cùng mình khám phá 13 sự thật thú vị về chúng nhé!
Ánh sáng của đom đóm không sinh ra nhiệt
Nhiều người lầm tưởng ánh sáng của đom đóm sản sinh ra nhiệt, tương tự như cách hoạt động của bóng đèn. Thế nhưng thực tế lại không như vậy, vì nếu sinh ra nhiệt thì chúng sẽ… tự thiêu rụi chính mình mất!
Đom đóm phát sáng được là nhờ hiện tượng phát quang sinh học (bioluminescence) diễn ra bên trong cơ thể. Nhà dược lý học người Pháp Raphael Dubois là người tìm ra lời giải cho hiện tượng thú vị này.
Khi nghiên cứu loài ngao phát sáng, Raphael Dubois đã phát hiện 2 thành phần luciferin và luciferase đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát quang.
Luciferin là hợp chất tạo ra ánh sáng, còn luciferase là một loại enzyme hoạt động trên đó.
Khi đom đóm chuyển oxy đến các tế bào phát quang trong cơ thể thông qua khí quản, các phân tử oxy sẽ phản ứng với luciferin. Nhờ sự hỗ trợ của enzyme luciferase và năng lượng ATP, luciferin sẽ bị kích thích và mức năng lượng của nó tăng lên.
Sau khi luciferin hết bị kích thích và trở về trạng thái bình thường, phần năng lượng dư đó sẽ được giải phóng dưới dạng ánh sáng.

Có thể bạn sẽ thích: Bạn đã biết hết về san hô chưa?
Đom đóm không bay nhanh
Đom đóm không phải là loài bay nhanh. Chúng chỉ có thể bay với vận tốc khoảng 5km/giờ. Đom đóm thường bay theo đường zic-zac hoặc uốn lượn, không phải đường thẳng.
Đom đóm phát sáng không chỉ để thu hút bạn tình
Những cá thể đom đóm đực và cái phát ra ánh sáng có màu đỏ cam hoặc vàng xanh, với mục đích chính là để thu hút bạn tình.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng khi còn ở giai đoạn ấu trùng, chúng cũng có thể phát sáng. Lúc này, ấu trùng đom đóm phát sáng nhằm cảnh báo các loài động vật ăn thịt.

Tuổi thọ của đom đóm trưởng thành rất ngắn
Tương tự các loài bọ cánh cứng khác, vòng đời của đom đóm cũng trải qua 4 giai đoạn biến thái hoàn toàn: Trứng – Ấu trùng – Nhộng – Trưởng thành.
Có thể bạn sẽ thích: Những quả trứng kỳ lạ khiến bạn phải “há hốc mồm” vì ngỡ ngàng
Đom đóm bắt đầu vòng đời của mình vào mùa hè. Sau khi giao phối, con cái sẽ đẻ khoảng 100 trứng. Chúng đặt số trứng này ở dưới mùn, dưới lá và những vùng đất ít bị khô, theo cụm hoặc riêng lẻ. Mất khoảng 3-4 tuần để chỗ trứng này nở thành ấu trùng.
Sau khi nở, ấu trùng đom đóm có thể đào hang xuống đất hoặc bò lên những nơi cao ráo hơn. Ấu trùng sẽ đi kiếm ăn trong khoảng vài tuần, sau đó biến thành nhộng. Giai đoạn nhộng kéo dài từ 1-2 tuần.

Sau khi trưởng thành, đom đóm gần như chỉ có một mục tiêu duy nhất: giao phối. Dù mất nhiều thời gian để đi từ giai đoạn trứng cho đến khi lớn, đom đóm trưởng thành chỉ sống được từ 1-3 tuần.
Đom đóm cũng ngủ đông
Ấu trùng đom đóm mới nở sẽ ngủ đông qua mùa đông, có khi ngủ đến… vài năm trước khi biến thành nhộng. Ngủ đông là cách chúng tránh rét cũng như tiết kiệm năng lượng cho cơ thể.
Có thể bạn sẽ thích: “Giải oan” cho 7 loài thiên địch cực hữu ích nhưng thường bị xem nhẹ
Việt Nam có một rừng đom đóm tuyệt đẹp
Hình ảnh những đêm hè lung linh ánh đom đóm đang dần trở thành ký ức, khi số lượng đom đóm ngày nay đang giảm mạnh do tác động của con người. Thế nhưng, thật may là vẫn còn một nơi để chúng ta ngắm nhìn những “màn trình diễn” ánh sáng tuyệt đẹp này: vườn quốc gia Cúc Phương.

Nằm trên địa bàn 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, vườn quốc gia Cúc Phương có diện tích 22.408 ha và là “nhà” của rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với hệ sinh thái đa dạng mà còn bởi vẻ đẹp huyền ảo của rừng đom đóm.
Mới đây, vườn quốc gia Cúc Phương đã chính thức mở tour đêm băng rừng, ngắm đom đóm để du khách trải nghiệm.

Ánh sáng của đom đóm mang thông điệp riêng
Đom đóm không phát sáng xuyên suốt mà nhấp nháy theo nhịp. Đây là cách chúng gửi thông điệp đến bạn tình. Nhịp nhanh hay chậm, ngắn hay dài còn tùy thuộc vào từng loài khác nhau.
Khi muốn tiếp cận “bạn gái tương lai”, con đực sẽ bay đến gần, nhấp nháy ánh sáng để báo hiệu và gây ấn tượng với “nửa kia”. Nếu thấy hứng thú, con cái sẽ nhấp nháy để trả lời lại.

Tuy nhiên, cơ chế này cũng là con dao hai lưỡi, bị “lợi dụng” bởi đom đóm Photuris. Chúng có khả năng bắt chước tín hiệu nhấp nháy của những con đom đóm cái thuộc nhiều loài khác nhau, nhằm dụ con đực bay tới. Kết cục của những nạn nhân xấu số này chính là trở thành bữa ăn cho đom đóm Photuris.
Video Photuris đang ăn thịt một con đom đóm khác
Có gần 2000 loài đom đóm trên thế giới
Đom đóm là tên gọi chung của những loài côn trùng cánh cứng nhỏ thuộc họ Lampyridae. Ước tính trên thế giới có khoảng 2000 loài đom đóm, mỗi loài có những đặc tính khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung là khả năng phát sáng.
Một số sự thật thú vị khác về đom đóm
1. Một số loài đom đóm sống dưới nước ở giai đoạn ấu trùng.
2. Đom đóm được tìm thấy ở mọi lục địa, trừ Châu Nam cực.
3. Ốc sên là thức ăn ưa thích của ấu trùng đom đóm.
4. Ở một số loài, đom đóm đực sẽ chết sau khi giao phối.
5. Hình ảnh đom đóm từng xuất hiện trong nhiều sản phẩm âm nhạc, phim ảnh nổi tiếng như:
- Anime Mộ đom đóm – Hotaru no Haka (1988)
- Manga & Anime Khu rừng đom đóm – Hotarubi no Mori e (2017)
- Ca khúc Fireflies (Owl City)
Trên đây là những thông tin thú vị về loài đom đóm. Cùng mình khám phá thêm về thế giới tự nhiên ở những bài viết tiếp theo nhé!
Leave a Comment